Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

Bệnh Trầm Cảm Sau Sinh

Trầm cảm sau sinh là một dạng của bệnh trầm cảm ảnh hưởng chủ yếu đến phụ nữ và một số ít nam giới sau khi đứa con sinh ra.

Trầm cảm sau sinh là một dạng của bệnh trầm cảm ảnh hưởng chủ yếu đến phụ nữ và một số ít nam giới sau khi đứa con sinh ra. Các báo cáo cho thấy tỉ lệ mắc bệnh biến thiên rất rộng, từ chỉ một vài cho đến hàng chục phần trăm, nguyên nhân là do các tiêu chuẩn chẩn đoán không thống nhất ở các nước. Theo một nghiên cứu nhỏ tại Bệnh viện Hùng Vương, Thành phố Hồ Chí Minh tỉ lệ bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm sau sinh là 41%, còn theo báo cáo mới hơn tại Bệnh viện Từ Dũ con số này chỉ là 12,5% trong đó 5,3% trầm cảm thực sự.

Một nghiên cứu khác cho thấy, cứ 7 phụ nữ Mỹ thì có khoảng 1 người mắc trầm cảm trước lúc có bầu, trong thời gian mang thai và sau khi sinh em bé, kết quả còn phát hiện thêm rằng hơn một nửa số phụ nữ trầm cảm sau khi sinh cũng từng trải qua cơn trầm cảm trước khi có bầu và trong suốt thời gian mang thai. Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ, đặc biệt là sự phát triển trí tuệ, cảm xúc và thể chất của đứa trẻ, tuy vậy đáng mừng là bệnh này đáp ứng tốt với điều trị. Bệnh còn có tên khác là Trầm cảm hậu sản, trầm cảm sau sanh. Ngoài ra ở những thời điểm đặc biệt khác của cuộc đời, phái nữ cũng có nguy cơ cao như trầm cảm trong giai đoạn tiền kinh nguyệt, rối loạn khí sắc liên quan đến thời kì mãn kinh

" Tôi không biết là mình có thể chịu đựng được bao lâu nữa. Tôi thấy kiệt sức, thèm ngủ mà không ngủ được, đói bụng mà không muốn ăn" - Tâm sự của một phụ nữ bị ảnh hưởng của bệnh trầm cảm sau sinh.

Triệu chứng

Các triệu chứng có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào đó trong năm đầu sau sinh, bao gồm các triệu chứng thường gặp sau:

- Cảm thấy mình không xứng đáng chăm sóc em bé
- Sao nhãng trong việc chăm sóc con
- Cáu ghắt với người khác
- Dễ lo âu và hoảng sợ
- Buồn bã
- Cảm thấy có tội
- Không còn thích thú với những thứ, hoạt động mình ưu thích trước kia
- Giảm thiểu giao tiếp với người khác
- Rối loạn giấc ngủ (thường là mất ngủ)
- Ăn uống thất thường
- An ủi không đem lại kết quả
- Cảm thấy trống rỗng
- Cảm thấy yếu ớt hoặc không còn sức lực
- Không cảm thấy thoải mái trong quan hệ tình dục
- Giảm khả năng diễn đạt chính xác khi nói hoặc viết
- Tuyệt vọng
- Lòng tự trọng thấp

Những ý nghĩ ám ảnh có thể xuất hiện và thường liên quan đến bạo lực đối với đứa trẻ. Trong trường hợp bị nặng ý nghĩ và hành vi giết đứa trẻ ngay sau khi sanh có thể xảy ra với những hoang tưởng hoặc ảo giác.

Yếu tố nguy cơ

Một số người có khả năng mắc bệnh này cao hơn người khác điều đó có thể được dự đoán chính xác thông qua một số đặc điểm ở người mẹ giúp phòng tránh từ xa, theo các nghiên cứu thì những yếu tố sau sẽ làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh ở phụ nữ:
Nghĩa vụ chăm sóc trẻ nhỏ phải được chia sẻ và người mẹ cần tránh mâu thuẫn với người thân đặc biệt là chồng, điều đó giúp hạn chế trầm cảm sau sinh

- Bị trầm cảm trong thời kỳ mang thai
- Từng bị trầm cảm sau sinh trước kia
- Khó khăn kinh tế, nghề nghiệp không ổn định
- Sinh con so (con đầu lòng) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn sinh con rạ
- Đứa trẻ không có bố chính thức
- Sinh con trong tình trạng ly dị hoặc ly thân
- Sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, ma tú
- Đẻ khó, đẻ mổ
- Sinh con ở độ tuổi vị thành niên
- Không có người hỗ trợ chăm sóc

So sánh khả năng mắc với yếu tố tiền sử bệnh:

Chẩn đoán: Không có tiền sử bệnh tâm thần, buồn sau sinh, trầm cảm nặng - Nguy cơ: Thấp
Chẩn đoán: Đã từng mắc trầm cảm sau sinh, rối loạn khí sắc chu kỳ, trầm cảm nặng tái diễn - Nguy cơ: Trung bình
Chẩn đoán: Đã từng mắc trầm cảm sau sinh và rối loạn trầm cảm tái diễn, trầm cảm nặng tái diễn - Nguy cơ: Cao
Chẩn đoán: Trầm cảm trong thai kỳ, đã từng mắc rối loạn lưỡng cực, trầm cảm sau sinh - Nguy cơ: Cao nhất

Nguyên nhân

Người ta vẫn chưa tìm được chính xác nguyên nhân của trầm cảm sau sinh, một số giải thích được đưa ra là vào thời điểm sau sinh nội tiết tố của người mẹ bị rối loạn thêm vào đó là những mệt mỏi trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh cùng những rắc rối trong quan hệ vợ chồng. Với đàn ông nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi đột ngột lối sống cùng sự suy giảm mối quan tâm của vợ, vì lúc này cô ấy phải tập trung trong vai trò làm mẹ, người chồng có thể cảm thấy cô đơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét