Thứ Ba, 14 tháng 11, 2017

MẸO VẮT SỮA ĐÚNG CÁCH VỚI MÁY HÚT SỮA

Những mẹ đang cho con bú chẳng bao lâu sẽ quay trở lại với công việc, hoặc phải đi du lịch xa nhà hoặc rơi vào những trường hợp khẩn cấp bắt buộc mẹ phải xa bé một thời gian. Bất kể là tình huống nào, các mẹ vẫn muốn nuôi bé bằng sữa mẹ bởi vì không gì chứa đầy đủ chất dinh dưỡng và kháng thể bảo vệ bé như loại sữa này. Máy hút sữa sẽ là trợ thủ đắc lực cho mẹ những lúc này. Mmbb hướng dẫn mẹ một số mẹo vắt sữa đúng cách với máy hút sữa nhé.

1. Chọn máy hút sữa
Mẹ nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn về loại máy hút sữa phù hợp nhất với mình. Thậm chí nếu mẹ không dự định rời xa bé một thời gian, vẫn nên sắm một chiếc máy hút sữa và biết cách sử dụng nó phòng trường hợp khẩn cấp.
Máy hút sữa bằng điện là loại máy tuyệt vời cho các mẹ cần vắt sữa tại nơi làm việc hoặc bất kỳ hoạt động nào xuyên suốt cả ngày. Khi chọn bình sữa, hãy bắt đầu bằng cách thử một loại bình sữa trước khi đầu tư hẳn một loạt bình sữa cho bé.
2. Vắt sữa bằng máy hút sữa
Với vật dụng hỗ trợ chuẩn xác và chỉ một vài chiến lược, mẹ có thể vắt sũa và trữ sữa một cách nhanh chóng và an toàn cho bé. Mặc dù sữa mẹ có một số chất lượng đặc biệt, giúp ngăn ngừa sự phát triển nhanh chóng mặt của vi khuẩn, nhưng mẹ vẫn cần làm theo lời khuyên của các bác sĩ về việc giữ sữa để tránh bị hư hỏng hoặc lãng phí.
máy hút sữa
Các chuyên gia, bác sĩ tại Ngân hàng sữa mẹ ở Bắc Mỹ đã đưa ra một số cách vắt sữa và trữ sữa đã được chứng minh bởi các nghiên cứu đáng tin cậy.
- Luôn cho bé bú sữa mẹ còn tươi bất cứ khi nào có thể vì sữa mẹ có chứa các yếu tố có tác dụng kháng sinh, enzyme và các chất dinh dưỡng mà có thể bị phá hỏng bởi việc trữ đông sâu.
- Rửa tay sạch sẽ trước khi thực hiện việc vắt và xử lý sữa.
- Luôn vắt sữa vào bình sữa sạch sẽ hoặc các túi trữ sữa được niêm phong chặt chẽ và cẩn thận.
- Để sữa trong tủ lạnh càng sớm càng tốt. Sữa tươi có thể để được ở nhiệt độ phòng đến 10 tiếng, hoặc được trữ trong tủ lạnh khoảng 4 ngày (96 giờ).
- Nếu muốn tiết kiệm sữa, hãy trữ đông sữa càng sớm càng tốt. Nhớ sử dụng nơi lạnh nhất trong tủ lạnh, và đừng đặt ở cánh cửa tủ nhé.
- Dán giấy ghi chú ngày giờ vắt sữa lên bình sữa để biết nên dùng bình nào trước nhằm tránh làm hư hại những bình sữa đã để quá lâu trong tủ mà không được sử dụng.
- Trữ sữa mẹ trong các bình sữa hoặc túi trữ sữa có dung tích từ 1 đến 4 ounce, vừa đủ với lượng sữa trong một cữ bú của bé nhằm tránh bé bú còn dư làm lãng phí sữa.
- Sử dụng sữa mẹ đã được trữ đông trong vòng 2 tuần nếu tủ đông lạnh được chứa trong tủ lạnh, trong vòng 3 tháng nếu trong tủ đông lạnh riêng biệt và 6 tháng trong tủ động lạnh đóng băng.
- Luôn làm sạch các dụng cụ vắt sữa và trữ sữa ngay lập tức sau khi sử dụng bằng nước xà phòng ấm và làm khô bằng không khí.
3. Cách làm nóng sữa mẹ đã được trữ đông

Sữa mẹ đã được làm đông lạnh nên được rã đông gần với giờ bú của bé.
- Tuyệt đối không sử dụng lò vi sóng để làm rã đông sữa hoặc hâm nóng sữa.
- Giữ bình sữa dưới vòi nước lạnh hoặc ấm đang chảy cho đến khi rã ra. Chú ý giữ mực nước nằm dưới nắp đậy của bình sữa để tránh nước làm ô nhiễm sữa mẹ.
- Làm ấm sữa mẹ bằng máy hâm sữa hoặc đặt đứng bình sữa trong nồi nước ấm (không nóng quá). Giữ mực nước nằm dưới nắp đậy bình sữa và nằm trên mực sữa để đảm bảo toàn bộ sữa đều được hâm nóng. Chú ý vấn đề luôn lắc sữa khi nó đang được hâm nóng nhằm đảm bảo nhiệt độ được phân bố đều.
- Sử dụng sữa đã làm đông lạnh trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau khi rã đông. Không làm đông lại sữa đã được rã đông.
- Nếu chất béo trong sữa bị tách ra thành từng mảng, mẹ nên lắc sữa để trộn đều sữa trước khi cho bé bú.
- Luôn kiểm tra nhiệt độ sữa bằng cách nhỏ vài giọt sữa lên mặt phía trong cổ tay mẹ để đảm bảo sữa an toàn cho bé.
- Vứt bỏ phần sữa thừa còn sót lại trong bình sữa sau khi bé bú xong.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét